Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, VNPT Thanh Hóa đã xác định vai trò “hạt nhân” tiên phong trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thanh Hóa. Thông qua nhận thức và tầm nhìn chiến lược, VNPT đã nghiên cứu, phát triển hệ sinh thái CĐS trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội vào công cuộc CĐS.
Theo định hướng chiến lược VNPT 4.0, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang dịch chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông số (DSP) với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp hàng đầu về hạ tầng số và dịch vụ số tại Việt Nam vào năm 2025... Để hiện thực hóa chiến lược phát triển, VNPT đã và đang xây dựng hạ tầng số, hệ sinh thái dịch vụ số để góp phần thúc đẩy quá trình CĐS tại Việt Nam. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác thúc đẩy CĐS giữa VNPT và UBND tỉnh Thanh Hóa, VNPT Thanh Hóa đã ký thỏa thuận hợp tác CĐS với 20 huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành, doanh nghiệp.
Để phát triển hạ tầng, dịch vụ số phục vụ CĐS trên địa bàn tỉnh, VNPT đã đầu tư phát triển hạ tầng cáp quang tới từng hộ gia đình; cung cấp internet băng thông rộng đến 100% các xã trên toàn tỉnh; mở rộng mạng băng rộng cố định FTTx. Sóng Vinaphone 4G của VNPT đã đến với 98% dân cư. VNPT đã thử nghiệm hạ tầng di động 5G và sẵn sàng triển khai. Dự kiến, đến năm 2025, sóng Vinaphone 5G của VNPT sẽ phủ tới 85% dân cư. Song song với việc cung cấp hạ tầng truyền tải, VNPT không ngừng sáng tạo, nghiên cứu và làm chủ các công nghệ mới 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IOT), chuỗi khối (Block chain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) cho phép các doanh nghiệp, người dân chia sẻ, phát triển và sử dụng dịch vụ.
Tại Thanh Hóa, để phát triển chính quyền số, VNPT Thanh Hóa đã phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS, hướng dẫn mô hình CĐS cấp huyện, xã và hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng để nâng cao nhận thức về CĐS.
VNPT Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển chính quyền số như: phối hợp triển khai thí điểm hiệu quả tại 3 xã: Nga An (Nga Sơn), Hà Sơn (Hà Trung), Yên Thọ (Như Thanh); phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa triển khai thành công hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; triển khai hệ thống Tổng đài 1022 để tiếp nhận, giải đáp, hỗ trợ người dân các thông tin liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19; triển khai hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Thanh Hóa; triển khai Hệ thống truyền hình hội nghị đến 100% các xã, sẵn sàng triển khai đến cấp thôn; triển khai hệ thống phòng họp không giấy tờ… Gần đây nhất, VNPT đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh IOC Thanh Hóa, giám sát dữ liệu 9 chuyên ngành và lĩnh vực. IOC cũng là phương thức khơi thông dòng chảy dữ liệu số, kiểm chứng tính đúng - đủ - sống - sạch của các nguồn cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các sở, ngành, địa phương… Hiện nay, VNPT Thanh Hóa cũng đang tích cực tham gia hệ thống CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; CSDL quốc gia về đất đai; CSDL y tế; CSDL giáo dục…
Trong phát triển kinh tế số, CĐS cho các doanh nghiệp, VNPT đã tự CĐS cho chính mình trước, đồng thời phối hợp với các sở, ngành thúc đẩy CĐS cho khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp SME. Song hành với việc ra mắt nền tảng CĐS dành riêng cho doanh nghiệp, VNPT Thanh Hóa cũng đã phát triển hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và CĐS hoạt động quản trị doanh nghiệp, như: ký số từ xa (VNPT SmartCA), hợp đồng điện tử (VNPT eContract), quản trị doanh nghiệp toàn diện (VNPT onBusiness); hóa đơn điện tử (E-Invoice), kê khai bảo hiểm xã hội (VNPT BHXH), thẻ tích điểm đa năng Vpoint…
VNPT là nhà mạng tiên phong trong phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt, VNPT đã triển khai ví điện tử và tài khoản Mobile Money cho hơn 200.000 người dùng để thành toán cho các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, học phí, y tế, dịch vụ viễn thông…
VNPT Thanh Hóa cũng đã tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh triển khai các giải pháp để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP như: tem chứng thực nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, website quảng bá hàng hóa, sẵn sàng nâng cấp lên website thương mại điện tử.
Song song với đó, VNPT Thanh Hóa đã và đang triển khai xây dựng xã hội số, công dân số thông qua việc cung cấp những ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để tiến đến xây dựng xã hội số thông qua việc cung cấp bộ các giải pháp cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Đối với lĩnh vực giáo dục, VNPT Thanh Hóa đã triển khai hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu cho gần 2.000 trường học trên địa bàn tỉnh. Trên nền tảng đó, đã triển khai các dịch vụ, giải pháp như phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, hồ sơ số giáo dục, quản lý giáo án điện tử, điểm danh thông minh, học trực tuyến… cung cấp dữ liệu cho IOC giáo dục nói riêng và IOC tỉnh Thanh Hóa nói chung. VNPT Thanh Hóa cam kết sẽ luôn đồng hành, hợp tác, phối hợp, chia sẻ để triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình phối hợp với ngành giáo dục nói riêng và chương trình CĐS tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Đồng thời VNPT cũng đã triển khai dịch vụ tới ngành y tế với rất nhiều dòng sản phẩm, từ quản lý bệnh viện, quản lý phòng khám, đến các tuyến y tế cơ sở với các giải pháp: phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT HMIS, giải pháp đơn thuốc điện tử, hệ thống quản lý quầy thuốc VNPT Pharmacy liên thông cổng dược quốc gia, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân…
Bằng năng lực và lợi thế của mình, VNPT Thanh Hóa cam kết, sẵn sàng hợp lực vì quá trình số hóa toàn diện tỉnh Thanh Hóa, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.
Xem thêm: VNPT cùng 25 năm kết nối toàn cầu