VNPT được cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ trao giấy đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho 5 đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

5 đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam VNPay, Công ty cổ phần MISA, Công ty cổ phần Savis, Công ty cổ phần công nghệ tin học EFY Việt Nam.

Tại buổi lễ, thay mặt Bộ Công Thương, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh chia sẻ, giải pháp “Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam” là nền tảng “cầu nối” các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với các giải pháp định danh và xác thực điện tử, dấu thời gian, chữ ký số, định danh chéo… giúp chứng thực hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả. 

Giải pháp Trục hợp đồng điện tử Việt Nam thuộc nhóm Giải pháp phát triển thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng, trong khuôn khổ thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025”. Việc triển khai giải pháp này của Bộ Công Thương nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức về tính bảo mật thông tin và đảm bảo tính toàn vẹn của hợp đồng trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam.

VNPT được cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam

Hệ thống Trục này sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ cho toàn bộ hoạt động ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam, là cầu nối các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với các giải pháp định danh và xác thực điện tử, dấu thời gian, chữ ký số, định danh chéo v.v… từ đó tạo nền tảng để chứng thực hợp đồng nhanh chóng, hiệu quả. 

Tính đến nay đã có 10 tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được Bộ Công Thương xác nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ. Thị trường có thêm lựa chọn về giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử an toàn, bảo mật, đặc biệt là giúp kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thực hiện các giao kết điện tử. 

Ngay sau khi được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, các tổ chức này sẽ tiến thêm một bước mới là sẽ cùng Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam chứng thực lên hợp đồng điện tử mà các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử cung cấp, hợp đồng điện tử có chứng thực sẽ được lưu trữ và bảo đảm tính toàn vẹn, chống chối bỏ do các bên khởi tạo trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Đây cũng được xem như tiền đề để các doanh nghiệp có thể an tâm chuyển đổi từ ký kết truyền thống sang ký kết điện tử để có được những giá trị hiệu quả và tối ưu chi phí. Điều này đã góp phần xây dựng lòng tin và tăng cường an ninh thông tin trong giao dịch trực tuyến.

Với vai trò là một Tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA), tại buổi lễ, ông Hà Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc  Tập đoàn VNPT khẳng định, VNPT đã chuẩn bị hạ tầng cùng đội ngũ nhân sự để sẵn sàng cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tới khách hàng ngay khi được Bộ Công Thương cấp giấy phép xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, VNPT cũng đang xây dựng những chính sách ưu đãi tốt nhất trong giai đoạn đầu, để khách hàng có thể trải nghiệm dịch hợp đồng điện tử của VNPT (VNPT eContract) một cách dễ dàng nhanh chóng, giúp doanh nghiệp kịp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng sự phát triển vượt bậc của các nền kinh tế số, việc bảo mật thông tin và đảm bảo tính toàn vẹn của hợp đồng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức. Những doanh nghiệp được trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử ngày hôm nay không chỉ đại diện cho sự phát triển của lĩnh vực chứng thực hợp đồng điện tử, mà còn đóng góp một phần không nhỏ vào vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy kinh tế số và toàn cầu hóa.

>>Xem thêm: VNPT dự phòng thêm 40% dung lượng internet quốc tế