Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì?

SaaS là viết tắt của Software-as-a-Service, là một dạng mô hình dịch vụ cung cấp tài nguyên công nghệ thông tin (CNTT) dựa trên nền tảng điện toán đám mây. Theo đó, khách hàng bỏ tiền mua một phần mềm hoặc ứng dụng qua internet và được tận hưởng mọi dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật chuyên nghiệp. Ví dụ điển hình của SaaS có thể kể tới là phần mềm hóa đơn điện tử VNPT Invoice, phần mềm quản lý bán hàng VNPT POS…

Để hiểu rõ hơn về bản chất của SaaS, oneSME xin mời bạn đọc tham khảo những thông tin chi tiết dưới đây.

1. Khái niệm SaaS trong điện toán đám mây

SaaS là cách cấp phát một sản phẩm phần mềm/ứng dụng hoàn chỉnh thông qua internet dưới dạng dịch vụ. Các sản phẩm SaaS được vận hành và lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây, đồng thời có thể truy cập được từ mọi nơi thông qua trình duyệt web hoặc thiết bị di động. 

Vì được cung cấp dưới dạng dịch vụ nên sản phẩm SaaS sẽ có những đặc trưng nổi bật nhất gồm:

  • Nhà cung cấp toàn quyền quản lý giải pháp phần mềm ở mọi khía cạnh: kỹ thuật, bảo mật, dịch vụ lưu trữ, cập nhật, bảo trì phần mềm, máy chủ và cơ sở dữ liệu… đảm bảo người dùng có thể truy cập mọi lúc với trải nghiệm sử dụng hài lòng nhất.
  • Người dùng chỉ cần đăng ký, trả tiền theo nhu cầu sử dụng và có thể hủy dịch vụ bất cứ lúc nào. 
  • Trường hợp người dùng gặp sự cố trong quá trình sử dụng sản phẩm, chỉ cần phản hồi cho nhà cung cấp thông qua kênh chăm sóc khách hàng. Đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật của nhà cung cấp có trách nhiệm tiếp nhận báo cáo kịp thời và khắc phục sự cố nhanh chóng nhất.

Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì?

2. Cách thức hoạt động của SaaS 

Cách thức hoạt động của SaaS được hiểu như sau:

Nền tảng cung cấp và vận hành SaaS:

Các ứng dụng SaaS được vận hành và lưu trữ thông qua nền tảng điện toán đám mây. Nhà cung cấp SaaS có thể sử dụng cơ sở hạ tầng đám mây riêng của mình, hoặc của một bên thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây (Google Cloud, Amazon Web Services, Microsoft Azure…).

Người dùng truy cập và sử dụng SaaS:

Nhờ được lưu trữ trên nền tảng đám mây, sản phẩm SaaS có khả năng mở rộng quy mô và có thể truy cập từ mọi vị trí địa lý trên toàn cầu. Để truy cập ứng dụng SaaS, khách hàng cần có kết nối internet và thiết bị đầu cuối có kết nối internet (máy tính, điện thoại smartphone, máy tính bảng).

Ứng dụng SaaS có thể chạy trực tiếp trên trình duyệt web, hoặc yêu cầu khách hàng tải về và cài đặt ứng dụng cho thiết bị di động/máy tính bảng. 

Chỉ với một phiên bản duy nhất, ứng dụng SaaS có khả năng phục vụ rộng rãi:

  • Ứng dụng chia sẻ quyền truy cập cho nhiều khách hàng hoặc nhiều nhóm khách hàng/tổ chức khác nhau, với mỗi người dùng là một tài khoản. 
  • Dữ liệu trong mỗi tài khoản người dùng là tách biệt và riêng tư, không bị lộ ra với những tài khoản khác. 
  • Khách hàng có thể tùy chỉnh một số cấu hình như: giao diện, một số quy tắc vận hành, cài đặt thông báo,… mà không làm ảnh hưởng đến cốt lõi sản phẩm và mã nguồn ứng dụng.

Nhà cung cấp có trách nhiệm quản lý toàn diện sản phẩm SaaS:

Để tối ưu mọi trải nghiệm sử dụng của khách hàng, nhà cung cấp sản phẩm SaaS chịu trách nhiệm cho toàn bộ các công việc sau:

  • Cung cấp, quản lý và bảo trì máy chủ, thiết bị mạng, phần cứng lưu trữ, phần mềm hệ điều hành.
  • Triển khai các bản cập nhật để sửa lỗi tính năng hoặc bản vá bảo mật khi cần thiết.
  • Cung cấp cơ sở hạ tầng dự phòng, tính năng sao lưu dữ liệu, bảo mật đám mây, khắc phục thảm họa nhằm đảm bảo tính khả dụng xuyên suốt, ngăn chặn các nguy cơ gây gián đoạn hoạt động của ứng dụng. 
  • Một số nhà cung cấp triển khai thêm giao diện lập trình ứng dụng (API) để giúp người dùng tích hợp nhiều ứng dụng SaaS với nhau, hoặc với phần mềm truyền thống. 

Ví dụ: Giải pháp chữ ký số từ xa VNPT SmartCA có thể tích hợp nhanh chóng với các phần mềm hóa đơn điện tử VNPT eInvoice, phần mềm hợp đồng VNPT eContract, phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội VNPT BHXH… để thực hiện ký số cho các tài liệu, tờ khai, chứng từ.

3. Các loại hình SaaS hiện nay

Có rất nhiều loại phần mềm SaaS được ra mắt thị trường, nhằm phục vụ mục đích đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng trong mọi lĩnh vực và ngành nghề.

Phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM):

Đây là loại phần mềm lưu trữ toàn bộ dữ liệu khách hàng của doanh nghiệp, cung cấp các tính năng tự động hóa quy trình, phân tích, dự đoán… nhằm cải thiện mối quan hệ với khách hàng, quảng bá sản phẩm và nâng cao doanh thu. 

Một số ứng dụng CRM phổ biến nhất hiện nay: Salesforce, Zoho CRM, Microsoft Dynamics CRM, Oracle Sales Cloud,…

Phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP):

ERP là một mô hình quản trị all-in-one được các tổ chức, nhất là doanh nghiệp lớn dùng để quản lý mọi quy trình làm việc bao gồm: kế toán, nhân sự, quản trị rủi ro, pháp lý và tuân thủ, ngân sách, mua/bán hàng và phân phối…

Các phần mềm SaaS ERP nổi bật trên thị trường: ERP Microsoft Dynamic, Oracle JD Edwards EnterpriseOne, SAP Business One, FastWork, Base ONE,…

Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì? 2

Phần mềm kế toán

Phần mềm SaaS này cung cấp các công cụ cần thiết để thực hiện toàn bộ nghiệp vụ kế toán một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra chúng còn tích hợp với các phần mềm nội bộ khác (phần mềm bán hàng, hóa đơn điện tử,…) để số hóa quy trình làm việc của doanh nghiệp. 

Các phần mềm kế toán được sử dụng phổ biến: VNPT ASME, MISA, FAST, SMART PRO,…

Phần mềm quản lý dự án

Đây là loại phần mềm SaaS hỗ trợ làm việc nhóm từ xa, giúp phân công, quản lý chặt chẽ và giám sát tiến độ, hiệu quả từng công việc.

Các sản phẩm nổi bật thuộc loại hình SaaS này có thể kể tới: Trello, Microsoft Project, Project Manager, VNPT iQMS Đặt lịch Đánh giá và Quản lý chất lượng thông minh, VNPT Pharmacy Quản lý nhà thuốc…

Quản trị nội dung web (CMS) và nền tảng thương mại điện tử

CMS là hệ thống quản lý nội dung, hỗ trợ viết, đăng tải và chỉnh sửa các bài viết/bài đăng và toàn bộ dữ liệu để xây dựng website. 

Ví dụ các CMS phổ biến hiện nay: WordPress, Shopify, Adobe Commerce,…

SaaS thương mại điện tử tạo nền tảng bán hàng tích hợp thanh toán trực tuyến, và một số chính sách marketing thu hút khách hàng (chiết khấu, phiếu giảm giá…) giúp người dùng bán sản phẩm trực tuyến một cách nhanh chóng.

Ví dụ: Shopee, Lazada, Sendo, Shop Amazon…

Nền tảng truyền thông

Sản phẩm SaaS truyền thông giúp mọi người dùng liên lạc, giao tiếp, chia sẻ tệp với nhau một cách nhanh chóng bằng tin nhắn, cuộc gọi video…

Ví dụ các nền tảng truyền thông phổ biến: VNPT Meeting, VNPT-Ecabinet, Slack, Skype, Google Meet, Zoom,…

Giải pháp quản trị nhân sự

Các giải pháp SaaS này giúp các tổ chức, doanh nghiệp quản lý nguồn nhân lực hiệu quả với hàng loạt tính năng: tuyển dụng, đặt lịch phỏng vấn, theo dõi tiến độ công việc, phân tích hiệu suất làm việc và đánh giá thành tích nhân viên. 

Ví dụ: Base HRM, Zoho People, BambooHR, MISA AMIS,…

Cổng thanh toán và giải pháp thanh toán

Cổng thanh toán hỗ trợ thanh toán trực tuyến bằng nhiều phương thức đa dạng, giúp các tổ chức dễ dàng xử lý hàng trăm giao dịch mỗi ngày. 

Loại sản phẩm SaaS này còn liên kết với nhiều nhà cung cấp trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, vì thế có thể giúp người dùng cá nhân chi trả mọi khoản chi phí mà họ đã đăng ký sử dụng trước đó.  

Ví dụ cổng thanh toán phổ biến: Paypal, Napas, VNPT Money, Momo, Zalopay,… 

4. Lợi ích và hạn chế của SaaS

Sự đa dạng của các loại sản phẩm SaaS nêu trên chứng tỏ mô hình đám mây này đang trở nên cực kỳ phổ biến trong nhiều năm trở lại đây. Chúng được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nhờ mang lại những lợi ích nổi bật. 

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đây là một mô hình hoàn hảo toàn diện. Chúng vẫn có một số hạn chế nếu so với mô hình phần mềm tại chỗ truyền thống. 

Lợi ích Hạn chế
  • Không đầu tư vốn lớn.
  • Không yêu cầu người dùng có kiến thức chuyên môn CNTT.
  • Ứng dụng sẵn có, triển khai nhanh chóng và liền mạch. 
  • Tự động cập nhật mọi tính năng và biện pháp bảo mật mới nhất. 
  • Khả năng mở rộng linh hoạt. 
  • Tính tùy chỉnh thấp.
  • Người dùng phải phụ thuộc vào các điều khoản và chính sách bảo mật do nhà cung cấp đặt ra.
  • Không thể truy cập ứng dụng nếu lỗi mạng internet, hoặc máy chủ nhà cung cấp gặp sự cố. 

Lợi ích của mô hình SaaS

SaaS có nhiều ưu điểm lẫn lợi ích cả về trước mắt lẫn lâu dài. 

Lợi ích chung:

  • Tiết kiệm chi phí nhờ chính sách trả tiền theo nhu cầu sử dụng: Hầu hết nhà cung cấp SaaS đều có nhiều gói cước khác nhau để phù hợp với yêu cầu và ngân sách của nhiều đối tượng khách hàng. Thậm chí nhiều nhà cung cấp còn cho phép sử dụng miễn phí đối với các dịch vụ cơ bản. 
  • Phần mềm hoàn chỉnh có sẵn, dễ dàng truy cập và sử dụng được ngay. Có thể sử dụng đa nền tảng (máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng).
  • Tiên tiến, không lỗi thời: Phần mềm SaaS liên tục được duy trì và cập nhật những tính năng mới nhất để đối phó với mọi thủ đoạn tấn công mạng tinh vi. Ngay cả những lỗi nhỏ nhất trong phần mềm cũng có thể bị khách hàng phát hiện và phản hồi để nhà cung cấp khắc phục ngay. 

Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì? 3

Lợi ích đối với cho doanh nghiệp khi sử dụng SaaS: SaaS không chỉ dành cho người dùng cá nhân mà còn là giải pháp ưu việt đối với nhiều doanh nghiệp. 

Trước đây, các nhà cung cấp phần mềm truyền thống dựa vào mô hình cấp giấy phép một lần để bán mã sử dụng sản phẩm. Người dùng sẽ phải cài đặt và chạy phần mềm trên máy tính hoặc máy chủ riêng. Với SaaS, quá trình đăng ký và sử dụng được đơn giản hóa đáng kể.

Tiêu chí SaaS Phần mềm tại chỗ
Thiết lập và bảo trì
  • Không yêu cầu doanh nghiệp phải tự bảo trì, nâng cấp. Việc này thuộc về trách nhiệm của nhà cung cấp SaaS.
  • Khách hàng luôn được sử dụng phiên bản phần mềm mới nhất với tốc độ mượt mà, ít gián đoạn. 
  • Hệ thống nội bộ doanh nghiệp phải được nâng cấp thường xuyên bởi đội ngũ CNTT có trình độ cao.
  • Quá trình bảo trì, nâng cấp hệ thống thường xuyên có thể gây trì trệ các dự án của doanh nghiệp.
Tính linh hoạt
  • Dễ dàng tích hợp, dễ dàng mở rộng để phù hợp với số lượng người sử dụng, khối lượng dữ liệu và chức năng cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp
  • Có thể truy cập từ mọi nơi thông qua kết nối internet
  • Chia sẻ và đồng bộ hóa dữ liệu nhanh chóng, hiệu quả
Việc tích hợp nhiều hệ thống với nhau có thể gặp khó khăn do khác biệt về kiến trúc và mã hóa.
Chi phí
  • Chi phí thiết lập và phí cơ sở hạ tầng thấp. 
  • Chỉ trả tiền cho những gì bạn cần theo nguyên tắc pay-as-you-go
  • Việc tối giản chi phí CNTT góp phần tăng ROI tổng thể cho doanh nghiệp
Chi phí cao: Phí phần mềm trả trước, giấy phép, chi phí đặt máy chủ, thiết lập trung tâm dữ liệu, phí vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng…
Đối tượng phù hợp Phù hợp với cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ, hoặc khó đáp ứng việc mở rộng quy mô nhanh chóng để đạt tốc độ tăng trưởng như mong muốn,…

Nhìn chung, SaaS là giải pháp đáp ứng khả năng triển khai dự án nhanh chóng với rủi ro đầu tư thấp hơn cho doanh nghiệp. 

Hạn chế của mô hình SaaS

Mô hình điện toán đám mây SaaS vẫn có một số hạn chế mà người dùng cần cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn:

Hiệu suất phần mềm SaaS phụ thuộc vào đường truyền internet và hệ thống vận hành của nhà cung cấp: Trong trường hợp mạng internet bị lỗi, hoặc máy chủ của nhà cung cấp gặp sự cố do thiên tai, các cuộc tấn công mạng,… sẽ dẫn đến thời gian chết, làm gián đoạn trải nghiệm của người dùng. 

Thiếu khả năng tùy chỉnh: Vì là một giải pháp phần mềm có sẵn và hoàn chỉnh, người dùng chỉ có thể thay đổi một số cài đặt cấu hình liên quan đến giao diện, quyền riêng tư,… Toàn bộ các tính năng, công cụ, điều khoản và chính sách bảo mật… đều do nhà cung cấp quyết định. 

Dữ liệu người dùng được lưu ở máy chủ của nhà cung cấp. Nếu sản phẩm được bán bởi nhà cung cấp kém tin cậy thì có thể dẫn đến nhiều lo ngại về nguy cơ thiếu bảo mật, rủi ro bị lộ danh tính, truy cập trái phép và thời gian phản hồi sự cố chậm.

Như vậy, để tránh gặp phải những sự cố không mong muốn, điều quan trọng là người dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm SaaS trước khi quyết định đăng ký, nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm của nhà cung cấp uy tín trên thị trường. 

Tại Việt Nam, các giải pháp phần mềm SaaS của những tập đoàn CNTT lớn như VNPT được người dùng đánh giá cao và rất ít ghi nhận về sự cố. Nhờ có sẵn cơ sở hạ tầng mạng lớn, cùng các trung tâm dữ liệu hiện đại, đạt chuẩn Tier-3 quốc tế trải dài từ Bắc đến Nam, sản phẩm công nghệ của VNPT đảm bảo tính khả dụng cao và sẵn sàng phục vụ lưu lượng truy cập khổng lồ của khách hàng. 

Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ cấp cao nhất để bảo mật, phòng chống mã độc và các cuộc tấn công mạng cũng là một yếu tố được chú trọng cho từng ứng dụng SaaS của VNPT. Từ đó đảm bảo quyền riêng tư và sự an toàn cao nhất cho dữ liệu của người dùng. 

5. Chi phí sử dụng SaaS

Thông thường cách tính chi phí sử dụng các ứng dụng của SaaS sẽ theo các mô hình sau:

  • Định giá cố định: Sản phẩm SaaS chỉ có một gói cước và một mức giá duy nhất áp dụng cho mọi đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, với những người dùng không sử dụng hết mọi tính năng của phần mềm thì đây có thể là một sự lựa chọn lãng phí. 
  • Định giá cho theo mỗi người dùng trong một nhóm: Khách hàng sử dụng SaaS trả tiền cho mỗi tài khoản người dùng phát sinh mới. Giấy phép ứng dụng Microsoft 365 là một trường hợp định giá theo lượng người dùng. Chẳng hạn, với phiên bản Microsoft 365 E1 dành cho doanh nghiệp, cứ mỗi nhân viên cần tài khoản mới trên nền tảng này thì sẽ phải trả 12 USD/tháng.
  • Định giá cho mỗi tính năng: Ngoài phiên bản phần mềm tiêu chuẩn, khách hàng có thể yêu cầu nhà cung cấp thêm vào các mô-đun tính năng khác theo nhu cầu của họ, và họ phải chi trả chi phí cho việc bổ sung này. 
  • Định giá theo cấp độ: Nhà cung cấp sẽ có nhiều gói cước phần mềm với mức giá khác nhau. Mỗi gói sẽ chứa ít hoặc nhiều tính năng. Thông thường gói cước có giá càng cao thì tính năng tiện ích càng nhiều và càng cao cấp. Mô hình định giá này có thể thỏa mãn nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. 
  • Dùng thử miễn phí: Các bản dùng thử miễn phí chỉ có hiệu lực trong một thời hạn ngắn nhất định, nhằm mục đích để người dùng trải nghiệm thử và tìm hiểu rõ về sản phẩm. 
  • Miễn phí không giới hạn (freemium): Với định giá này, người dùng sẽ được sử dụng phiên bản phần mềm cơ bản nhất (không có nhiều tiện ích và tính năng nâng cao) và được miễn phí không thời hạn.

6. Mô hình sử dụng SaaS

Vì mỗi tổ chức, doanh nghiệp đều có quy mô, quy trình, mục tiêu và thách thức khác nhau, vì vậy họ có thể cài đặt và sử dụng SaaS theo cách khác nhau. 

Mô hình đa khách hàng (multi-tenant):

Mô hình multi-tenant có nghĩa là: một phiên bản phần mềm và cơ sở hạ tầng của một SaaS sẽ được chia sẻ cho nhiều khách hàng hoặc nhiều nhóm khách hàng. 

Dữ liệu của mọi khách hàng được lưu trữ dựa trên một cơ sở hạ tầng chung, nhưng chỉ có chủ sở hữu tương ứng mới có thể truy cập, xem và sử dụng những dữ liệu đó. 

  • Ưu điểm: 
    • Đảm bảo hiệu quả về chi phí cho khách hàng.
    • Nhà cung cấp SaaS dễ dàng thu thập thông tin, đánh giá và cải thiện hiệu quả sản phẩm SaaS.
  • Nhược điểm: Khách hàng có rất ít quyền kiểm soát và tùy chỉnh phần mềm

Mô hình multi-tenant được áp dụng phổ biến cho đa số các sản phẩm SaaS trên thị trường hiện nay như: Google Apps, Salesforce, Dropbox, Microsoft 365, Mailchimp, Boho, Slack,…

Mô hình thuê đơn lẻ (single-tenant):

Trong môi trường SaaS thuê đơn lẻ, mỗi khách hàng/nhóm khách hàng có một máy chủ chuyên dụng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho một phiên bản phần mềm duy nhất.

  • Ưu điểm: 
    • Tăng cường mức độ bảo mật.
    • Có thể tùy chỉnh và thêm nhiều chức năng cho ứng dụng nếu muốn.
    • Mỗi cơ sở dữ liệu khách hàng có một bản sao lưu riêng.
  • Nhược điểm: 
    • Quá trình thiết lập, quản lý và bảo trì phức tạp hơn
    • Chi phí cao hơn mô hình multi-tenant.

Mô hình này thường được áp dụng đối với những tổ chức/doanh nghiệp đặt hàng thiết kế phần mềm riêng theo yêu cầu từ các đối tác chuyên dịch vụ outsource IT.

Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì? 4

Mô hình đám mây riêng (Private cloud):

Đám mây riêng còn được coi là đám mây nội bộ, là môi trường điện toán đám mây được dành riêng cho một tổ chức, “cách ly” hoàn toàn với những bên khách hàng khác. Với đám mây riêng, nhà cung cấp chạy phần mềm SaaS trong mạng của khách hàng nhưng chịu trách nhiệm quản lý, bảo mật, khắc phục sự cố cho phần mềm đó.

  • Ưu điểm:
    • Mức độ bảo mật cao, đảm bảo quyền riêng tư tối đa cho dữ liệu.
    • Khách hàng tự tùy chỉnh, tự phục vụ, có quyền kiểm soát nơi lưu trữ dữ liệu và thời gian lưu trữ dữ liệu.  
    • Toàn bộ dữ liệu được bảo mật bằng hệ thống tường lửa của khách hàng.
  • Nhược điểm:
    • Chi phí cao hơn mô hình single-tenant.

Mô hình trung tâm dữ liệu tại chỗ (On-premise datacenter):

Đối với các đơn vị có yêu cầu rất cao về công tác bảo mật như: ngân hàng, các cơ quan chính phủ,… họ thường có cơ sở hạ tầng tại chỗ riêng. Do đó, các sản phẩm SaaS cần sử dụng giao diện lập trình ứng dụng (API) để kết nối và tích hợp với hệ thống tại chỗ của những đơn vị này.

  • Ưu điểm:
    • Chia sẻ dữ liệu nhanh chóng.
    • Cải thiện hiệu suất công việc của nhân viên, không cần nhập dữ liệu thủ công.
  • Nhược điểm:
    • Quá trình tích hợp có thể tốn thời gian và đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn kỹ thuật.

 Ảo hóa (Virtualization):

Mô hình ảo hóa thường bị nhầm lẫn với mô hình đa khách hàng. Tuy nhiên, ảo hóa có nghĩa là một phần mềm SaaS có thể chạy trên nhiều máy chủ ảo riêng biệt. Ngoài ra, khách hàng có hệ điều hành riêng và không dùng chung phần cứng của nhà cung cấp.

Ví dụ phổ biến nhất có thể kể tới phần mềm VMware, cho phép người dùng tạo nhiều môi trường ảo hoặc hệ thống máy tính ảo trên một máy tính hoặc máy chủ vật lý.

  • Ưu điểm: Tăng cường khả năng khắc phục sau thảm họa. Giảm thiểu thời gian chết. 
  • Nhược điểm: Người thực hiện phải có chuyên môn kỹ thuật.

7. Xu hướng phát triển của SaaS trong tương lai

Như đã đề cập ở phần trên, SaaS là giải pháp thay thế khả thi hơn so với phần mềm tại chỗ truyền thống trong việc tiết kiệm nguồn lực và ngân sách. Chính vì vậy trong  một vài năm gần đây, mức độ phổ biến của SaaS trên thị trường toàn cầu đã tăng vọt và dự báo sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong tương lai. 

Mức chi ngân sách cho SaaS đang tăng dần đều:

Theo báo cáo nghiên cứu của Gartner, năm 2022, mức chi tiêu cho riêng ngành SaaS đạt 167,1 tỷ USD – tăng trưởng hơn 5 lần so với mức 31,4 tỷ USD được thống kê vào năm 2015. Cũng trong năm này, tổng chi cho các dịch vụ đám mây công cộng phổ biến nhất (IaaS, PaaS, SaaS) đạt 393,5 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa SaaS là ngành có tỷ trọng cao nhất với ngân sách chiếm hơn một nửa. 

Dự đoán đến hết năm 2023, tổng mức chi tiêu cho IaaS, PaaS và SaaS tổng thể sẽ đạt con số khổng lồ 481,9 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp SaaS sẽ tăng trưởng 23,2% và đạt giá trị 195,2 tỷ USD. 

Nhu cầu sử dụng SaaS ngày càng đông đảo:

Hàng năm có rất nhiều sản phẩm SaaS mới ra mắt thị trường để phục vụ nhu cầu ngày càng đông đảo của người dùng. 

Theo BetterCloud, số lượng ứng dụng SaaS được các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hàng năm đều tăng vọt. Đặc biệt, đơn vị có quy mô càng lớn thì nhu cầu sử dụng SaaS càng cao. Tại các công ty lớn có hơn 1000 nhân viên, trung bình có 177 ứng dụng SaaS đang được đăng ký và vận hành.

Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì? 5

Báo cáo này của BetterCloud cũng cho biết, các doanh nghiệp ước tính rằng 70% ứng dụng kinh doanh mà họ sử dụng hiện nay là dựa trên SaaS. Dự đoán tới năm 2025, con số này sẽ tăng lên 85%.

Như vậy, bạn có thể thấy rằng SaaS ngày càng trở nên phổ biến trong kinh doanh hiện đại, và chúng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

8. Các câu hỏi khác liên quan đến SaaS

Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc phổ biến khác liên quan đến mô hình SaaS.

SaaS khác gì IaaS và PaaS?

SaaS, PaaS và IaaS là viết tắt của ba loại mô hình dịch vụ điện toán đám mây. Chúng đều cấp phát tài nguyên CNTT cho người dùng qua mạng internet nhưng theo các cấp độ khác nhau:

  • Ở cấp độ cao nhất, SaaS là giải pháp phần mềm/ứng dụng hoàn chỉnh giúp doanh nghiệp hoặc cá nhân giải quyết các vấn đề cụ thể. 
  • Ở cấp độ giữa, PaaS là giải pháp cung cấp nền tảng và các công cụ để tạo dựng, phát triển, thử nghiệm, triển khai, quản lý những phần mềm SaaS hoàn chỉnh.
  • Ở cấp độ cuối cùng và cũng là cấp độ linh hoạt nhất, IaaS cung cấp quyền truy cập toàn bộ cơ sở hạ tầng phần cứng cơ bản lẫn phần mềm, giúp các tổ chức triển khai quy trình làm việc và quản lý, vận hành các dự án công nghệ.

Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì? 6

Mô hình SaaS có an toàn và bảo mật không?

Mô hình SaaS được đánh giá là có độ bảo mật tốt hơn mô hình phần mềm tại chỗ truyền thống. Lý do bởi các nhà cung cấp SaaS thường xuyên cập nhật phần mềm lên phiên bản mới với những công nghệ bảo mật tiên tiến nhất, hoặc kịp thời sửa lỗi và triển khai các bản vá lỗi bảo mật. Vì vậy hầu hết ứng dụng SaaS không bị lỗi thời và có thể đối phó với những cuộc tấn công mạng tinh vi. 

Tuy nhiên cần lưu ý, dữ liệu của người dùng – bao gồm cả những thông tin nhạy cảm nhất sẽ được lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây của nhà cung cấp. Trong trường hợp nhà cung cấp không triển khai các biện pháp bảo mật hiện đại và các tiêu chuẩn pháp lý đáng tin cậy, điều này có thể dẫn đến nguy cơ dữ liệu người dùng bị xâm phạm, chỉnh sửa trái phép hoặc bị đánh cắp. Để khắc phục rủi ro này, điều cần thiết nhất là chọn sản phẩm SaaS của bên cung cấp uy tín. 

Doanh nghiệp nào nên lựa chọn mô hình SaaS?

Phần mềm SaaS có ưu điểm nổi bật là giá rẻ hơn phần mềm tại chỗ truyền thống, triển khai nhanh chóng và dễ sử dụng. Vì vậy chúng là sự lựa chọn phù hợp cho mọi đối tượng, bao gồm cả tập đoàn lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp mới thành lập và hộ kinh doanh. 

Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa cách các doanh nghiệp áp dụng SaaS. Các tổ chức có quy mô lớn sẽ có xu hướng lựa chọn sản phẩm SaaS đa năng để tránh sự cồng kềnh trong bộ máy vận hành. Theo đó, một nền tảng SaaS duy nhất có thể hỗ trợ quy trình làm việc cho nhiều phòng ban – từ tiếp thị, bán hàng, cho đến CRM… 

Ngược lại, với các công ty nhỏ, họ thường sử dụng nhiều sản phẩm SaaS chuyên biệt cho từng bộ phận như: phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm bán hàng, phần mềm quản lý thông tin nhân sự, phần mềm chấm công, phần mềm đánh giá nhân sự… và sử dụng API để tích hợp các phần mềm với nhau khi cần thiết.

Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì? 7

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Trong điện toán đám mây SaaS có nghĩa là gì”. Có thể nói rằng, ngày nay, hầu như cá nhân hoặc doanh nghiệp nào cũng sử dụng ít nhất một trong nhiều sản phẩm SaaS có sẵn trên thị trường. Đó là nhờ tính linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh với sự đổi mới và mức độ tiết kiệm chi phí của chúng. 

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến mô hình này, bạn đọc có thể liên hệ đội ngũ tư vấn theo một trong các kênh sau:

>>Bài viết liên quan: Quy định về chữ ký trong văn bản hành chính